Dì Toni và lũ trẻ (Alberta von Brochowska)

CHƯƠNG 1
Dì Toni tới!
Bà Wulff đang ngồi khâu vá cạnh cửa sổ. Bốn đứa con lớn của bà vẫn còn tụ tập quanh bàn dùng nốt bữa cà phê chiều.
“Khẩn trương lên các con”, người mẹ giục, “để còn làm bài tập rồi vào chơi trong vườn  nữa.”
“Con xong rồi ạ!”, Kurt nói, bước đến cạnh mẹ bên cửa sổ. Từ đó nhìn ra, cậu bé trông thấy người đưa thư.
“Mẹ ơi, bác đưa thư kìa!”, cậu bé reo lên phấn khích. “Ôi, con chạy nhanh xuống dưới nhé? Nhỡ đâu bác ấy mang thư của dì Toni đến thì sao.”
“Ừ, đi đi. Nhưng hãy cư xử cho ngoan và đem bức thư còn nguyên vẹn lại đây. Con biết đấy, trẻ con mà mở thư của bố mẹ xem thì không hay đâu.”
Kurt đỏ mặt, chạy vội đi. Chỉ một chốc sau cậu bé đã quay trở lại, hét lên như vừa thắng trận, tay giơ cao một bức thư: “Hu-ra, thư gửi từ Walden, chắc chắn là của dì Toni rồi!”
Cả bốn đứa trẻ chen nhau tới gần mẹ.
“Nhanh nhanh lên mẹ ơi, mẹ mở thư ra xem dì có đến không đi!”
“Yên nào, yên nào các con!”, người mẹ mỉm cười, khẽ nạt, nhưng cũng vội vàng mở bức thư; chính bà cũng rất mong ngóng cô em gái tới chơi, việc này được lên kế hoạch từ lâu nhưng do sức khỏe của bố bà nên đã phải hoãn lại mấy lần.
Sau khi đọc nhanh hết một lượt lá thư, bà mừng rỡ: “Đúng rồi các con ạ, dì sẽ tới nhà mình, ngày mai luôn đấy nhé!”
Tin tức này được hưởng ứng bằng một tiếng hét vui sướng lớn đến nỗi người mẹ phải bịt tai lại.
“Ông ngoại có đi cùng không ạ?”, Paul – anh em sinh đôi với Kurt – hỏi.
“Không đâu con, ông sẽ về nông thôn nghỉ ngơi mấy tuần ở chỗ cậu Karl và dì Klara. Bởi thế, lần này dì Toni có thể ở lại đây lâu hơn chút.”
“Hu-ra, lần này dì sẽ ở chơi với chúng ta thật lâu!”, Anna hét lên và quay tròn, nhún nhảy khắp phòng, trong khi Toni bé – con đỡ đầu của người dì – vừa vỗ tay vừa reo: “Ôi, vui quá, vui quá đi thôi!”
“Nghe này Paul”, người mẹ giờ quay sang cậu bé, “con đến nhà cậu Robert ngay, báo rằng dì Toni sẽ tới. Vì cậu nhất định không rảnh để ra ga đón dì nên hãy mời cậu chiều mai đến uống trà hoặc cho chị giúp việc và hai em đến. Còn con, Kurt, mau chạy qua bên kia mời chú, dì với ba đứa lớn sang chơi. Hai đứa đừng có mà lề mề đấy, còn phải về học bài nữa, kẻo ngày mai ở trường lại bị quở mắng.”
“Mẹ yên tâm, bọn con về ngay thôi!”
Và rồi như một cơn gió, hai cậu bé chạy ào xuống dưới nhà, lòng đầy hãnh diện khi được là người đưa một tin tức quan trọng nhường này.
Chuyến tàu chở dì Toni đến vào khoảng tầm ba giờ hôm sau; thật may là chiều đó được nghỉ học nên cả hai đứa sinh đôi, Anna và Toni đều theo mẹ tới ga. Ở đây, mấy mẹ con gặp dì Luise Helmer cùng hai đứa con lớn nhất của dì – Marie và Philipp.
Tàu vào ga, lũ trẻ chẳng thể đứng yên. Đứa nào cũng muốn là người đầu tiên thấy dì, chào dì. Người dì gần như không xuống khỏi toa tàu được vì bị vây quanh, bị ôm cứng, bị xô, vấp vào người bởi lũ trẻ, đến độ cô hầu như không thể tự thoát ra nổi, bèn cười và thốt lên: “Đây đúng là một cuộc tấn công thực sự đấy nhé! Coi chừng nào, mấy thứ hay ho dì mang cho các cháu sẽ vỡ vụn và nát bét cho tới khi về đến nhà mất!”
Lời cảnh báo có chút tác dụng, và cuối cùng cô cũng có thể chào hỏi hai người chị của mình.
“Giờ thì đoàn quân thắng trận trở về nhà thôi!”, Kurt  hô to.
Nhưng thật chẳng dễ ổn định đoàn quân này dù chỉ một chút, bởi người dì yêu quí thì chỉ có hai bên, mà cả sáu đứa trẻ lại đều tranh nhau đi cạnh dì. Bà Wulff chấm dứt cuộc tranh cãi bằng cách tuyên bố:
“Dì Luise và mẹ sẽ đi cạnh dì Toni, mấy đứa hãy đi thật ngoan ngoãn và trật tự phía trước, ba cậu trước, rồi tới lượt ba cô nào!”
“Con thích đi cùng mấy anh cơ!”, Anna Wulff nói.
“Thật vinh dự quá!”, Paul chối. “Nhưng bọn anh không cần em đâu!”
“Paul, anh đúng là một kẻ xấu xa, cực kì đáng ghét!”, Anna cự lại đầy vẻ tổn thương, và khi Paul bỏ mũ ra, làm động tác cúi người thật thấp và nói: “Vô cùng cảm ơn vì lời tâng bốc!” thì Anna tuyên bố dứt khoát: “Em vẫn cứ đi cùng các anh đấy!”
Người mẹ cảnh cáo: “Hai đứa, không được cãi cọ ở đây! Mẹ thấy hình như các con đang muốn cho dì thấy mặt tồi tệ nhất của mình thì phải.”
Paul và Anna hơi buồn bã, nhưng rồi gương mặt hoạt bát của Anna nhanh chóng trở lại với vẻ tươi tắn quen thuộc, cô bé nhập hội với người chị họ Marie và Toni bé, ngâm nga hát:
                        “Nếu mình chẳng phải con gái
                         Điều ấy thật là thê thảm!
                         Mình rồi lại vào quân đội,
                         Và làm một vị tướng thôi!”
Hành trình về nhà sau đó không còn bị ngăn trở bởi một sự vụ nào nữa.
Sau khi đã sạch sẽ không còn bụi bặm, dì Toni ưu tiên vào phòng lũ trẻ trước để chào cậu cháu sắp lên bốn Leo cũng như làm quen với cô bé nhỏ nhất nhà. Minni chưa đầy hai tuổi, dì Toni chưa gặp con bé bao giờ. Ban đầu con bé còn hơi sợ sệt, nhưng khi người dì dỗ dành: “Nào, cô bọ bé bỏng, đến đây với dì Toni nào! Dì cũng có quà cho cháu này!” thì con bé tiến lại gần, hơi e dè rồi trở nên bạo dạn, và chẳng bao lâu sau đã ngồi thoải mái trong lòng cô, ăn ngon lành chiếc bánh qui cô cho nhưng vẫn để cô và cậu anh đứng cạnh nếm thử, dù cậu chàng này cũng đang bận rộn nhai nuốt.
Xen giữa quá trình ăn uống, cậu chàng thông báo với nét mặt trịnh trọng: “Dì à, dì hẳn đã biết tên cháu là Leo, giờ cháu đang dạy Minni tập nói đấy.  Em nói được hai từ ‘bố’, ‘mẹ’ rồi nhưng gọi ‘Leo’ thì vẫn chưa đâu vì không nói ‘l’ đuợc, mà lúc nào cũng chỉ ‘nê’ và ‘nô’. Chắc tên khó quá nên giờ cháu muốn thử dạy em gọi ‘Toni’ xem sao.” Quay sang cô em bé, cậu chàng cười nịnh nọt và tiếp tục: “Nào, Minni yêu dấu, nói thử ‘Toni’ đi, rồi anh cũng sẽ có thưởng!”
Tuy nhiên, Minni có vẻ không hứng thú học hành gì cả, con bé chỉ cười, một bàn tay nhỏ xíu giơ phần còn lại của chiếc bánh lên, còn tay kia đập đập vào cái bụng xinh.
“Thế tức là em ấy sẽ làm rất tốt đấy ạ!”, Leo bảo với dì.
Đúng lúc này, Anna ào tới bên cửa, gọi:
“Dì ơi, dì xuống dưới mau đi! Cậu Robert cùng Otto và Lilly đến rồi, cả chú Albert Helmer với Rudi nữa.”
Leo và Minni không chịu xa người dì, chúng có khi còn khóc nếu cô không kịp hứa: “Tối nay dì sẽ chơi với các cháu nữa nhé, dì sẽ tắm cho hai đứa này, bế hai đứa lên giường đi ngủ này.”
“Vâng ạ, vâng ạ, dì hứa nhé! Thích quá!”, Leo vỗ tay sung sướng.
“Ích”, Minni bập bẹ và đập hai bàn tay mũm mĩm vào nhau.
“Dì nghe thấy không dì? Em vừa nói ‘ích’ đấy, em lại nói thêm được từ mới rồi!”, ông thầy nhỏ gọi với theo người dì đang vội vã đi khỏi.
Chào hỏi anh trai và anh rể xong, cô quay qua chín đứa trẻ đang có mặt ở đó, cười bảo:
“Hai năm nay các cháu lớn quá cơ! Dì chẳng biết có còn phân biệt mổi mấy đứa không nữa! Nào, mấy đứa đứng xếp hàng theo thứ tự tuổi đi, để dì thử gọi tên từng đứa xem!”
Lũ trẻ cười tươi, ngoan ngoãn làm theo. Cô bé luôn thích trêu đùa là Anna nói:
“Dì hãy cẩn thận nhé! Nếu dì quên tên một trong số bọn cháu hay thậm chí nhầm đứa này với đứa khác, đó sẽ là một sự xúc phạm khủng khiếp đấy!”
“Dì sẽ thận trọng. Với cháu thì dì chẳng lo đâu, Anna yêu quí ạ. Gương mặt láu lỉnh của cháu đâu dễ nhầm lẫn. Bắt đầu thôi! Đầu tiên, đây là Marie Helmer, cháu giờ đã mười bốn tuổi. Dì đã nghe nhiều điều tốt đẹp và đáng yêu về cháu, rằng cháu rất hiểu biết, lại luôn giúp đỡ mẹ nữa.”
Và người dì đặt một nụ hôn âu yếm lên trán cô cháu Marie mặt đang đỏ lựng cả lên.
“Tới lượt hai anh em sinh đôi nhà Wulff – Kurt và Paul nào. Hai đứa đã nhổ giò rồi. Cẩn thận đấy Marie, các em chẳng mấy chốc mà cao hơn cháu cho xem!”
“Cháu cũng thế, dì Toni ơi! Cháu gần bằng chị ấy rồi này!”
“Phải, phải, Philipp Helmer đúng không nào? Dì suýt không nhận ra cháu. Giờ chẳng ai dám gọi cháu là ‘cậu bé bụ bẫm’ nữa, cháu lớn và gầy đi thế này rồi cơ mà! Cháu và hai đứa sinh đôi năm nay đã mười ba tuổi.”
“Còn cháu thì bao nhiêu ạ?”, Anna Wulff nói, cố vươn hết cỡ cái vóc dáng quá nhỏ bé so với tuổi của mình.
“Ừ, Anna bé bỏng, để dì xem xem!”, người dì xoay Anna hết sang bên này rồi lại bên kia, quan sát cô bé từ mọi hướng với vẻ nghĩ ngợi, cuối cùng cô nói: “Ối chà, Anna, nhìn cháu mà xem! Có vẻ gần đây cháu bận nghĩ ra quá nhiều trò trêu chọc hay ho đến nỗi quên cả lớn hay sao ấy. Trông cháu như chỉ hơn mười tuổi chút xíu vậy!”
“Cháu mười hai rồi.”, Anna hơi phụng phịu đáp lại.
“Cháu còn chưa đến mười một mà đã cao gần bằng chị ấy!”, Otto Mehring, đang đứng cạnh cô em ít hơn một tuổi – Lilly, nói.
“Ừ, và nếu dì nhớ không nhầm thì năm nay cháu sẽ được dự lễ ban thánh thể (1) lần đầu tiên trong đời nhỉ.” Cô gạt nhẹ tóc trên trán cậu bé, nhìn cậu bé và Lilly – hai đứa con của người anh trai Robert – bằng một cái nhìn đặc biệt yêu thương, xúc động ôm chặt cả hai. Chúng không còn mẹ nữa, những đứa trẻ tội nghiệp.
Đứng cuối hàng là cậu bé tám tuổi Rudi Helmer có mái tóc vàng, xoăn, đôi mắt xanh dương thật thà cùng với Toni bé bảy tuổi, trông còn gầy yếu và nhợt nhạt hơn bình thường khi đứng cạnh người anh họ cứng cáp, hồng hào.
“Má con phải hồng thêm nữa mới xinh, con đỡ đầu bé nhỏ của ta! Và không cần phải nghiêm nghị quá thế đâu!”, cô khẽ nói.
Nhưng mẹ của Toni đã nghe thấy, bà giải thích, hướng cái nhìn lo lắng về phía cô con gái nhỏ:
“Con bé vẫn chưa bình phục sau đợt sốt ban đỏ. Những đứa khác từ lâu đã khỏe cả, chỉ mỗi con bé là không khỏi hẳn.”
Dì Toni rời lũ trẻ, đến ngồi cùng mấy anh chị mình để kể về tình hình sức khỏe của bố cũng như chuyến đi của ông tới nhà anh Karl và chị Klara.
Toni bé đi theo, ban đầu đứng im cạnh chiếc ghế bành dì ngồi, sau đó dần xích lại và cuối cùng tựa mái đầu nhỏ lên vai dì, dựa hẳn người vào cô, nhè nhẹ vuốt tay cô. Người dì nhấc cô cháu vào lòng, mỉm cười: “Dì tin chúng ta sẽ sớm trở thành bạn tốt của nhau.”
Thế là đôi mắt Toni bé sáng bừng, phấn khích hỏi: “Thật hả dì? Dì muốn làm bạn của cháu ư? Ý cháu là bạn thực sự ấy?”
“Chắc chắn rồi!”
Cô bé nhảy phóc ra khỏi lòng dì như cơn gió, chạy vù đến chỗ mấy đứa kia, khuôn mặt hồng lên vì hạnh phúc và cất tiếng gọi với đôi mắt sáng lấp lánh:
“Chị Marie, chị Anna, giờ em cũng có bạn rồi nhé! Các chị chẳng cần ra vẻ ta đây với mấy người bạn của mình nữa đâu! Em có một người bạn cao lớn hơn và tốt hơn bạn các chị nhiều, chính là dì Toni!” Cô bé đắc thắng nhìn mấy anh chị.
Thế nhưng mấy đứa này phá ra cười lớn. Cô bé chẳng ngờ đến tình huống đó. Mới đầu cô bé ngây ra sửng sốt, rồi sau đỏ bừng mặt, mếu máo chực khóc: “Sao lại cười em? Em có nói điều gì ngớ ngẩn đâu!”
“Ồ không mà, Toni của chị”, Marie gắng trấn an Toni bé, “em không nói gì ngớ ngẩn hết, nhưng bọn chị thấy thú vị quá khi một cô bé con như em lại chọn dì Toni làm bạn!” Rồi cô nàng này lại bắt đầu cười, những đứa còn lại hòa giọng theo. Otto và Anna cười to nhất, hai đứa nhảy vòng quanh Toni bé, hét thật lớn: “Hoan hô tình bạn mới!”
Nhưng lúc này Toni bé đã trở nên giận dữ, mắt tóe lửa, hai bàn tay siết chặt thành hai nắm đấm, cô bé dậm chân, và lũ trẻ càng cười thì cô bé càng tỏ ra dữ dằn hơn. Marie cố làm cho đứa em họ dịu bớt nhưng lại bị đẩy ra, phải tới khi Kurt nói:
“Thôi nào, chắc chắn dì Toni không thích kết bạn với một người hay nổi nóng như thế đâu!”
Lúc này cô bé mới bình tĩnh lại, đột ngột im lặng, buồn bã, rồi khẽ lủi đi. Thu mình trong một góc, cô bé ấn hai nắm tay lên mắt, khóc thút thít. Marie muốn tới an ủi nhưng Anna giữ lại: “Để nó một mình đi! Khi nó cáu giận như thế thì tốt nhất là đừng động đến nó. Tất cả chúng mình cứ vào trong vườn, rồi con bé sẽ tự đi theo thôi.”
Từ xa, người dì đã thấy hết mọi chuyện. Sau khi lũ trẻ rời khỏi phòng, cô đến gần đứa nhỏ đang khóc. Cô bé này ấn chặt tay vào mặt hơn, cơn thổn thức càng dữ dội. Cô bế nó lên, đưa vào phòng bên. Đầu tiên, cô để yên cho nó khóc, chỉ âu yếm ôm, nhẹ nhàng vuốt trán và tóc nó, đến khi thấy cơn thổn thức bắt đầu giảm, cô trìu mến:
“Giờ thì người bạn nhỏ của dì phải vui lên nào!”
Toni bé ngước khuôn mặt đỏ bừng lên:
“Ôi dì Toni ơi, dì có còn muốn làm bạn của cháu không? Cháu đã quá hư! Nhưng vì sao các anh chị ấy cười nhạo cháu như thế?” Những giọt nước mắt lại bắt đầu trào ra.
“Cháu không cần để ý đến chuyện đó quá đâu, mấy đứa không hề có ác ý gì với cháu. Marie đã rất tốt với cháu và còn muốn an ủi cháu mà.”
“Vâng, thế mà cháu lại đẩy chị ấy, cháu đã quá tức giận!” Nó cúi đầu xấu hổ, rồi nói thêm như đang hối lỗi: “Tại bệnh của cháu, nó khiến cháu dễ nổi nóng, cháu chẳng thể làm gì khác. Mẹ thường nhắc các anh chị không được làm cháu bị kích động.”
“Có thể căn bệnh đã làm cháu dễ nóng nảy hơn, nhưng cháu không được nghĩ rằng mình không thể ngăn nó. Luôn có cách mà, nếu biết điều mình làm là sai. Và cháu cũng biết là không nên tức giận phải không?”
Toni bé ngượng ngùng, cúi đầu, lí nhí: “Cháu không muốn, nhưng cơn giận luôn tự bùng phát đấy chứ.”
Người dì mỉm cười: “Phải, mọi việc vẫn thường như thế mà. Cháu thấy đấy, các anh chị không có ác ý và chắc chắn không muốn làm tổn thương cháu. Các anh chị ấy cũng chỉ là buột miệng nói ra lời trêu chọc mà thôi.”
Thoạt đầu, cô bé ngạc nhiên, sau đó có vẻ suy tư, và khi người dì hỏi: “Cháu có muốn học cách giữ bình tĩnh khi bị trêu chọc không?” thì cô bé gật mái đầu nhỏ, nghiêm nghị nói: “Có ạ, cháu muốn.”
Người dì gần như có chút ngỡ ngàng lúc nhìn vào đôi mắt cô bé, ở đó ánh lên một sự quyết tâm thực sự:
“Nhưng trước hết Toni của dì phải vui vẻ và cười lên đã. Đi nào, đến chỗ Marie và các anh chị khác thôi!”
Cô nắm tay đứa con đỡ đầu, dẫn ra vườn. Đến nơi, cô gọi lũ trẻ lại, nói:
“Nghe xem dì vừa có ý tưởng gì này! Buổi sáng, trong thời gian mấy đứa đi học, dì sẽ phụ mẹ các cháu việc nhà và giúp chăm hai em, còn buổi chiều thì dì là của mấy đứa. Nếu mấy đứa rảnh rỗi và có thời tiết trợ giúp nữa, chúng ta sẽ cùng đi dạo.”
“Hu-ra, dì Toni!”, “Dì thật tuyệt vời!”, lũ trẻ reo vui và sung sướng vỗ tay.
Cậu bé Rudi tóc xoăn vàng háo hức: “Dì sẽ kể chuyện cho bọn cháu chứ?”
“Nhất định, Rudi ạ! Vậy ra cháu thích nghe kể chuyện à?”
“Ồ, cực kì ấy chứ ạ!”
“Cháu cũng thế!”, “Cháu cũng thế!”, nhiều tiếng nói khác vang lên.
“Cháu mê nhất những câu chuyện về người da đỏ.”, Otto nói, và Anna đồng tình. Hai đứa sinh đôi cho rằng những cuộc phiêu lưu trên biển hay ho hơn nhiều, còn Rudi và Toni chọn truyện cổ tích.
“Ngoài ra”, Kurt đề nghị, “vì mai là chủ nhật nên giờ chúng ta có thể bàn bạc về chuyến đi ngay lập tức.”                                                        
“Dĩ nhiên là thế rồi!”, Paul hăng hái. “Chúng ta sẽ dẫn dì qua Hennenberg để tới Horbach, từ đó đi lên núi Blauberg và …”
“Sao không leo lên đỉnh Chimborazo (2) hay dãy Himalaya luôn đi?”, Marie cười, ngắt lời. “Mai dì vẫn còn mệt và sẽ thích đi gần đây thôi. Chị đề nghị đến Tempelchen. Đường đi đẹp, lại không quá dốc, đứng từ đó có thể chiêm ngưỡng thị trấn của chúng ta và ngắm nhìn những ngọn núi, sau đó …”
“Ở trên ấy cũng rất thích hợp để chơi trò ‘Kẻ cướp và cảnh sát’!, Rudi chợt nghĩ ra. “Ồ, em còn biết vài chỗ trốn rất tuyệt ở đó cơ!”
“Ồi, Tempelchen, chỗ ấy chán chết.”, Otto Mehring kêu lên kèm theo vẻ mặt coi thường. “Quen thuộc quá rồi! Em sẽ chẳng đi đến đấy đâu!”
“Thế thì cứ ở nhà, mọi người vẫn sẽ ổn mà chẳng cần mày!”, Paul đốp lại có chút thô lỗ. Vậy nhưng nhìn dì Toni lại rất rầu rĩ khi nói:
“Dì sẽ buồn lắm nếu không có cháu đi cùng, Otto yêu quí ạ.”
“Vậy thì, để cháu xem thế nào đã dì ạ, có thể vì dì cháu sẽ đi!”
“Tử tế chưa kìa!”, Anna thì thầm vào tai Marie.
“Bây giờ chỉ còn phải xem bố mẹ các cháu nói sao về kế hoạch này nữa thôi.”, người dì nói và quay bước vào trong nhà.
(1) Còn được gọi là lễ Missa: phân phát Bánh Thánh đã được truyền phép cho các tín đồ

(2) Điểm cao nhất so với tâm trái đất, thuộc dãy Andes, nằm trên lãnh thổ Ecuador 

2 thoughts on “Dì Toni và lũ trẻ (Alberta von Brochowska)

Leave a comment